Theo đó, đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề, gồm: doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh có đăng ký hoạt động dạy nghề và sử dụng lao động sau đào tạo; doanh nghiệp có tổ chức đào tạo người lao động có hộ khẩu thường trú ở Bình Dương, trong độ tuổi lao động, có nhu cầu học nghề và giải quyết việc làm nhưng chưa từng hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ học nghề.
Nguyên tắc hỗ trợ, ngân sách địa phương hỗ trợ cho doanh nghiệp để tổ chức đào tạo cho lao động và sử dụng tại doanh nghiệp khi đáp ứng đủ điều kiện: doanh nghiệp đào tạo nghề đã đăng ký hoạt động; doanh nghiệp đào tạo trực tiếp các khóa học nghề ngắn hạn hoặc trình độ sơ cấp nghề, thời gian đào tạo từ 01 tháng trở lên; doanh nghiệp tuyển dụng lao động vào các lớp đào tạo nghề phải ký hợp đồng đào tạo nghề với người lao động và sau đào tạo người lao động phải trực tiếp làm việc cho doanh nghiệp tối thiểu 24 tháng; không thu học phí của người lao động được đào tạo nghề; người lao động được bố trí việc làm, ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người lao động.
Những doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ từ chính sách này không được trừ để tính thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật đối với các khoản chi phí, hỗ trợ của doanh nghiệp cho dạy nghề.
Mức hỗ trợ chung cho các đối tượng trên là 500.000 đồng/người/tháng theo chương trình đào tạo và không quá 3 tháng. Doanh nghiệp được hỗ trợ thêm 200.000 đồng/người/tháng khi đào tạo nghề cho các đối tượng: lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, lao động thuộc diện hộ nghèo, lao động thuộc hộ trong diện thu hồi đất canh tác, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động là người khuyết tật.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/5/2012.
Mai Xuân