Theo đó, Sở Y tế phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức rà soát tỷ lệ tiêm chủng từng loại vaccine, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng thấp, khắc phục những khó khăn tồn tại, nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm chủng. Lập kế hoạch và tổ chức tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng mở rộng (để tiêm bổ sung ngay trong tháng đối với các trường hợp trì hoãn tiêm chủng trong ngày tiêm chủng hàng tháng, tiêm vét cho các đối tượng thuộc tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm đầy đủ). Tránh bỏ sót đối tượng trong diện tiêm chủng mở rộng.
Phối hợp với Sở Tài chính đảm bảo kinh phí để triển khai hiệu quả công tác tiêm chủng. Chủ động điều chỉnh nguồn ngân sách hoặc lồng ghép các nội dung phù hợp để mua tủ lạnh bảo quản vaccine cung cấp cho các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Trong thời gian dịch bệnh có xu hướng gia tăng, cần cân đối ngân sách để bố trí kinh phí mua bổ sung vaccine tiêm phòng cho các đối tượng ngoài tiêm chủng mở rộng, đặc biệt những vùng có nguy cơ cao.
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng về lợi ích của việc tiêm chủng phòng bệnh, những phản ứng có thể gặp sau khi tiêm, cách theo dõi, chăm sóc người được tiêm chủng để người dân yên tâm, tin tưởng vào công tác tiêm chủng. Đồng thời, vận động người dân tích cực tham gia chương trình tiêm chủng phòng bệnh.
Sở Y tế phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện điều tra, thống kê, quản lý chặt chẽ các đối tượng trong diện tiêm chung mở rộng trên địa bàn, bao gồm cả đối tượng vãng lai và đối tượng sử dụng vaccine dịch vụ.
Hoàng Phạm