Hiện tại, lục bình sinh sôi phát triển rất nhiều, hệ thống sông và kênh, rạch trên địa bàn tỉnh, gây ảnh hưởng đến môi trường và giao thông đường thủy.
Thực hiện Kế hoạch nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường nước. Đây là công việc của chính quyền và cả cộng đồng, phải triển khai thực hiện đồng bộ tại các địa phương, tập trung tại các điểm trọng yếu, theo phương châm 3 tại chỗ (nhân lực tại chỗ, phương tiện tại chỗ, xử lý lục bình tại chỗ hoặc chọn địa điểm thích hợp để xử lý).
Việc vớt lục bình phải kết hợp với việc vớt rác, khơi thông dòng chảy, vớt đến đâu phải có biện pháp để ngăn lục bình xâm nhập trở lại. Việc vớt, vận chuyển lục bình phải đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường.

Xử lý lục bình, khai thông dòng chảy của các sông và hệ thống kênh, rạch trên địa bản tỉnh nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, bảo vệ môi trường nước (Ảnh: Hoàng Phạm)
Kế hoạch được thực hiện theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 triển khai thực hiện phong trào và thí điểm tại một số khu vực trọng yếu theo phương pháp thủ công kết hợp một số phương tiện cơ giới liên tục trong vòng 10 ngày (từ ngày 10/09/2013 đến ngày 19/09/2013) tại khu vực cầu ông Cộ và cầu Bà Cô, thuộc thành phố Thủ Dầu Một; giai đoạn 2 triển khai thực hiện vào tháng 01 năm 2014, theo hướng cơ giới hóa bằng các máy móc, thiết bị chuyên dùng, tiếp tục thực hiện trên diện rộng và duy trì thực hiện liên tục để lục bình không thể sinh sôi, phát triển trở lại.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan thường trực theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện cho Ban chỉ đạo bảo vệ môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh.
Giao Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến góp ý cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố về phương án xử lý lục bình nói chung và việc đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi nói riêng.
Giao Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu phương án xử lý lục bình có hiệu quả nhất (phương tiện vớt lục bình, phương án sử dạng lục bình) và có ý kiến tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét trong tháng 10/2013 để quyết định phương án triển khai kế hoạch xử lý lục bình giai đoạn 2.
Giao Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp TNHH Một thành viên (Becamex IDC) nghiên cứu tìm chọn địa điểm thích hợp để xử lý lục bình, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trong tháng 10/2013 để xem xét quyết định.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan (Tỉnh đoàn, Công ty TNHH Một thành viên cấp thoát nước và Môi trường Bình Dương,...) xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện (gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, tổng hợp và báo cáo).
Yêu cầu các cơ quan thông tin truyền thông tích cực nghiên cứu thông tin về kế hoạch triển khai xử lý lục bình trên địa bàn tỉnh, về phương tiện, cách thức xử lý, nhất là phương án dự kiến sử dụng lục bình làm phân vi sinh... (kể cả thông tin về việc xử lý của các tỉnh, thành khác), để các cấp, các ngành và người dân biết, phối hợp thực hiện.
|
Hoài Hương