UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tích cực thực hiện hiệu quả chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bình Dương bền vững và khắc phục hạn chế. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đầu mối thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực ngành nghề nông thôn, cần năng động, tích cực phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn trong thời gian tới. Đồng thời, chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bình Dương đến năm 2020, Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác.
Hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí kế hoạch vốn ngân sách cho các chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn. Tăng cường nguồn vốn ODA, các nguồn vốn tài trợ khác của các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ cho phát triển ngành nghề nông thôn. Sở Tài chính căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, bố trí kinh phí để thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn. Sở Công Thương tổ chức các hợp phần khuyến công, hội chợ triển lãm và các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa ngành nghề nông thôn Bình Dương. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với sở, ngành chức năng xây dựng chương trình phát triển du lịch ở nông thôn, nhất là xây dựng một số sản phẩm du lịch gắn với tham quan các làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái vườn theo các tuyến du lịch một cách phù hợp…
Đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn góp phần nâng cao đời sống người nông dân
Đối với Sở Khoa học và Công nghệ, cần phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể tuyên truyền các văn bản pháp luật về khoa học và công nghệ, các chính sách của Nhà nước về khoa học và công nghệ; hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn gắn với triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ khoa học công nghệ, trước hết, tập trung thực hiện ở các xã đang xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đổi mới công nghệ sản xuất; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất trong kinh doanh nhằm giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm. Xây dựng một số mô hình thí điểm thực hiện đổi mới công nghệ sản xuất gắn với giải pháp hỗ trợ xử lý chất thải, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường…
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành, huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động tại các làng nghề, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân, thợ giỏi truyền nghề cho lao động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn. Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện các chế độ chính sách khen thưởng đối với các tổ chức, nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Dương phối hợp với các sở, ngành, huyện, thị, thành phố hỗ trợ thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển ngành nghề nông thôn; xây dựng kế hoạch tham quan học tập và mô hình kinh tế tập thể, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn. UBND các huyện, thị thành phố lồng ghép các chương trình đang triển khai trên địa bàn nhằm hỗ trợ cho ngành nghề nông thôn phát triển, có kế hoạch cụ thể khôi phục và phát triển làng nghề, nghề truyền thống.
Các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn phát huy nội lực, mở rộng liên kết, xây dựng mô hình kinh tế hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ sản xuất, ứng dựng khoa học - công nghệ mới, hợp lý hóa sản xuất và đổi mới cơ chế quản lý để sản phẩm hàng hóa của cơ sở có sức cạnh tranh cao, sản xuất kinh doanh của cơ sở phát triển bền vững.
Xuân Mai