Tin chỉ đạo điều hành
Thứ 5, Ngày 04/06/2009, 04:15
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2009
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
04/06/2009

(TTĐT) Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế lớn suy thoái, sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, song nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Đảng, Chính phủ nên những giải pháp và chính sách được Chính phủ đề ra nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, ngăn ngừa lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội đã bước đầu phát huy tác dụng, kinh tế-xã hội nước ta 5 tháng đầu năm 2009 phát triển theo hướng tích cực và có dấu hiệu sớm phục hồi.

Tình hình cụ thể của từng ngành và lĩnh vực như sau:
I. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
a. Nông nghiệp
Trọng tâm sản xuất nông nghiệp trong tháng5làchăm sóc,thu hoạch lúa đông xuân trên cả nước và xuống giống lúa hè thu ở các địa phương phía Nam. Tính đến trung tuần tháng 5/2009, các địa phương phía Nam đã thu hoạch 1844,1 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 100,7% cùng kỳ năm trước, năng suất ước tính đạt 62 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha; sản l­ượng đạt 11,8 triệu tấn, tăng 214,8 nghìn tấn. Các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã cơ bản thu hoạch xong lúa đông xuân, năng suất ước tính đạt 63,6 tạ/ha, giảm 0,8 tạ/ha so với vụ đông xuân trước; sản lượng đạt 9,9 triệu tấn, xấp xỉ vụ đông xuân 2008. Năng suất lúa đông xuân toàn vùng giảm chủ yếu do một số địa phương thay đổi cơ cấu giống lúa theo hướng giảm diện tích trồng lúa năng suất cao nhưng chất lượng gạo thấp, khó xuất khẩu (IR 50404, OM 576.v.v) sang gieo trồng giống lúa năng suất tuy thấp hơn nhưng chất lượng gạo tốt, dễ xuất khẩu (VNĐ 95-20, OM 2717, OM 2517.v.v...). Sản lượng lúa đông xuân vùng Duyên hải Nam Trung Bộ ước tính đạt 1 triệu tấn, tăng 172,6 nghìn tấn so với vụ đông xuân trước, trong đó một số tỉnh đạt sản lượng tăng cao là: Quảng Nam tăng 39 nghìn tấn; Quảng Ngãi tăng 34,9 nghìn tấn; Phú Yên tăng 45,3 nghìn tấn; Khánh Hoà tăng 38,5 nghìn tấn.
Diện tích gieo trồng lúa đông xuân của các tỉnh phía Bắc đạt 1147,9 nghìn ha, tăng 1,6% so với vụ đông xuân 2008. Hiện nay, lúa đang phát triển tốt; theo đánh giá ban đầu của các địa phương, nếu thời tiết thuận lợi và sâu bệnh phát sinh ít thì năng suất lúa đông xuân miền Bắc sẽ đạt xấp xỉ vụ đông xuân 2008.
Cùng với việc thu hoạch lúa đông xuân, các địa phương phía Nam đang tập trung gieo sạ lúa hè thu. Tính đến trung tuần tháng 5/2009, diện tích lúa hè thu gieo sạ đạt 1344,6 nghìn ha, bằng 99,7% cùng kỳ năm trước; trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long 1191,7 nghìn ha, bằng 100,8%.
Ngoài việc tập trung gieo cấy và thu hoạch lúa, các địa phương tiếp tục gieo trồng cây màu vụ hè thu. Tính đến 15/5/2009, diện tích gieo trồng ngô cả nước đạt 715 nghìn ha, bằng 100,7% cùng kỳ năm trước; sắn 250,9 nghìn ha, bằng 98,5%; khoai lang 99,4 nghìn ha, bằng 95,8%; lạc 194,5 nghìn ha, bằng 102,5%; rau đậu 501,2 nghìn ha, bằng 101,1%.
Chăn nuôi 5 tháng đầu năm 2009 phát triển ổn định và có xu hướng tăng, đặc biệt là đàn gia cầm. Đàn bò ước tính tăng 1-2% so với cùng kỳ năm trước; đàn lợn tăng 2-3%; đàn gia cầm tăng 7-8%. Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã cơ bản được khống chế. Tính đến ngày 21/5/2009, dịch bệnh chưa qua 21 ngày còn ở 4 tỉnh là: Dịch cúm gia cầm ở Vĩnh Long và Đồng Tháp; dịch lở mồm long móng ở Gia Lai; dịch tai xanh ở Bắc Giang. Để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, cùng với việc tiến hành tiêm phòng vacxin cúm gia cầm đợt I năm 2009, các ngành chức năng cần tích trong việc triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
b. Lâm nghiệp: Diện tích rừng trồng tập trung cả nước 5 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 45,8 nghìn ha, bằng 100,4% cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 89,5 triệu cây, bằng 97,7%; sản lượng gỗ khai thác đạt 920 nghìn m3, bằng 103,4%. Công tác kiểm lâm mặc dù được quan tâm và tăng cường nhưng hiện tượng cháy rừng, chặt phá rừng vẫn diễn ra ở một số nơi. Trong 5 tháng đầu năm 2009, diện tích rừng bị thiệt hại 1134,3 ha, trong đó diện tích rừng bị cháy 523,4 ha. Các địa phương có diện tích rừng bị cháy nhiều là: Lạng Sơn 142,8 ha, Yên Bái 136,8 ha, Bình Thuận 51,8 ha. Một số tỉnh có diện tích rừng bị chặt phá nhiều là: Lâm Đồng 240,7 ha, Bình Phước 188 ha và Đắk Nông 72,8 ha.
c. Thủy sản: Tổng sản lượng thuỷ sản 5 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 1736,6 nghìn tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó cá đạt 1334,3 nghìn tấn, tăng 4%; tôm 149,6 nghìn tấn, tăng 3,8%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 5 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 748,2 nghìn tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2008 do giá thức ăn thủy sản tăng, người nuôi cá tra gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất của Nhà nước nên chưa yên tâm mở rộng diện tích thả nuôi. Sản lượng thủy sản khai thác 5 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 988,4 nghìn tấn, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 911,7 nghìn tấn, tăng 9%. Thời tiết thuận lợi cho khai thác cá ngừ đại dương nên sản lượng tăng khá so với cùng kỳ năm 2008, trong đó Phú Yên đạt 3,7 nghìn tấn, tăng 13,7%; Bình Định 3,2 nghìn tấn, tăng 37%.
2. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp đang ổn định và có xu hướng tăng hơn những tháng đầu năm. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 5/2009 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn các mức tăng của 4 tháng đầu năm. Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng cao là: Điều hoà nhiệt độ tăng 56,4%; thép tròn tăng 49,5%; máy giặt tăng 31,9%; giày, dép, ủng bằng da giả tăng 29,9%; dầu thô khai thác tăng 22,9%; khí hoá lỏng tăng 18,8%; xi măng tăng 14,9%; khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 10,1%.
 Tính chung 5 tháng đầu năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế Nhà nước giảm 0,1% (Trung ương quản lý tăng 1,3%; địa phương quản lý giảm 4,8%); khu vực ngoài Nhà nước tăng 7,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,7% (dầu mỏ và khí đốt tăng 15,8%, các sản phẩm khác tăng 2,1%). Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp quan trọng có dấu hiệu phục hồi và tăng khá trong 5 tháng đầu năm 2009 là: Dầu thô khai thác tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước; xi măng tăng 17,4%; điều hoà nhiệt độ tăng 17,3%; thép tròn tăng 13,2%; tủ lạnh, tủ đá tăng 12,5%; thuốc lá điếu tăng 10,7%; giày, dép, ủng bằng da giả tăng 10,2%; xà phòng giặt tăng 8,7%; khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 8,6%; bia tăng 7,4%; nước máy thương phẩm tăng 7,1%; điện sản xuất tăng 5,7%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm 2008 như: Than đá giảm 6,8%; thuỷ hải sản chế biến giảm 8,2%; phân hoá học giảm 13%; đường kính giảm 18,4%; gạch lát ceramic giảm 23,6%; vải dệt từ sợi bông giảm 26,1%; quần áo người lớn giảm 19,9%; xe chở khách giảm 31,4%.
Giá trị sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2009 của một số địa phương có qui mô sản xuất lớn vẫn giữ được ổn định và đạt tốc độ tăng cao hơn nhiều mức tăng chung của cả nước như: Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 10,5%; Quảng Ninh tăng 10,3%; Khánh Hoà tăng 7,2%; Đồng Nai và Cần Thơ cùng tăng 6,9%; Hải Phòng tăng 6,7%; Thanh Hoá và Bình Dương cùng tăng 5,1%. Một số địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm nay giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước như: Hải Dương giảm 4,9%; Đà Nẵng giảm 4,2%; Phú Thọ giảm 11,3%; Vĩnh Phúc giảm 14,2%; Hà Nội tăng 4,4%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 3,4%.
3. Đầu tư
Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện tháng 5/2009 ước tính đạt 8,7 nghìn tỷ đồng, bằng 7,7% kế hoạch năm, bao gồm: Vốn trung ương đạt 2,5 nghìn tỷ đồng, bằng 7%; vốn địa phương đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, bằng 8%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2009, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện 37,4 nghìn tỷ đồng, bằng 33,2% kế hoạch năm, gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 11,4 nghìn tỷ đồng, bằng 32,3% kế hoạch năm, trong đó: Vốn đầu tư thực hiện của Bộ Công Thương đạt 125,1 tỷ đồng, bằng 52,6% kế hoạch năm; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 281,8 tỷ đồng, bằng 52,3%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 324,5 tỷ đồng, bằng 42,3%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 1176,7 tỷ đồng, bằng 39,8%; Bộ Y tế 365 tỷ đồng, bằng 36,1%;  Bộ Xây dựng 129,4 tỷ đồng, bằng 30,4%; Bộ Giao thông Vận tải 1787,6 tỷ đồng, bằng 29,3%.
- Vốn địa phương quản lý đạt 26 nghìn tỷ đồng, bằng 33,6% kế hoạch năm, trong đó một số địa phương có tiến độ thực hiện nhanh là: Hòa Bình đạt 535,2 tỷ đồng, bằng 55,3% kế hoạch năm; An Giang 329,3 tỷ đồng, bằng 55,1%; Bắc Ninh 444,1 tỷ đồng, bằng 52%; Quảng Trị 384,1 tỷ đồng, bằng 50%; Hải Phòng 664 tỷ đồng, bằng 42,5%.
Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 20/5/2009 đạt 6,7 tỷ USD, giảm 76,3% so với cùng kỳ năm 2008, bao gồm: Vốn đăng ký 2,7 tỷ USD của 256 dự án được cấp phép mới (giảm 89,2% về vốn và giảm 60,5% về số dự án so với cùng kỳ năm trước); vốn đăng ký bổ sung 4 tỷ USD của 40 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 2,8 tỷ USD, giảm 29,1% so với cùng kỳ năm 2008.
Nguồn vốn ODA được ký kết 5 tháng đầu năm 2009 thông qua các Hiệp định với nhà tài trợ đạt 1,5 tỷ USD, bao gồm: Vốn vay đạt 1,4 tỷ USD; vốn viện trợ không hoàn lại đạt 19,5 triệu USD. Tổng giá trị giải ngân vốn ODA 5 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 720 triệu USD, bằng 38% kế hoạch năm, bao gồm: Vốn vay đạt 649 triệu US (549 triệu USD vay ưu đãi, 100 triệu USD vay thương mại); vốn viện trợ không hoàn lại đạt 71 triệu USD.
4. Thương mại, dịch vụ
a. Bán lẻ hàng hoá và dịch vụ phục vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 452,3 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2008, nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2009 tăng 8,4%. Trong tổng số, kinh doanh thương nghiệp đạt 354,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 78,4% tổng số và tăng 21,9%; khách sạn nhà hàng đạt 51,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,4% và tăng 19%; dịch vụ đạt 41,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,2% và tăng 16,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2009 của hai thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ước tính đạt 160,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,4% tổng số cả nước, bao gồm Hà Nội đạt 57 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh đạt 103,3 nghìn tỷ đồng, tăng 17,8%.
b. Giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2009 tăng 0,44% so với tháng trước, trong đó nhóm phương tiện đi lại và bưu điện tăng cao nhất với 1,8% (Bưu chính viễn thông tăng 1,92%), chủ yếu do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng từ ngày 08/5/2009 và giá cước bưu chính tăng từ ngày 01/5/2009 theo Thông tư số 13/2009/TT-BTTTT ngày 30/3/2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông về giá cước bưu chính phổ cập, sẽ áp dụng từ 01/5/2009. Các nhóm hàng hoá và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng nhẹ ở mức dưới 1%, gồm: Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,97%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,51%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,31%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,26%; hai nhóm dược phẩm, y tế và hàng ăn và dịch vụ ăn uống đều tăng 0,18% (Lương thực giảm 0,37%; thực phẩm tăng 0,36%); giáo dục tăng 0,04%; văn hoá, thể thao, giải trí tăng 0,03%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2009 tăng 5,58% so với cùng kỳ năm 2008 và tăng 2,12% so với tháng 12/2008. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng/2009 tăng 11,59% so với 5 tháng/2008.
Chỉ số giá vàng tháng 5/2009 tăng 0,61% so với tháng trước; tăng 13,04% so với cùng kỳ năm 2008 và tăng 17,88% so với tháng 12/2008. Chỉ số giá vàng bình quân 5 tháng/2009 tăng 7,12% so với 5 tháng/2008. Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,25% so với tháng trước, tăng 11,46% so với cùng kỳ năm 2008 và tăng 5,18% so với tháng 12/2008. Chỉ số giá đô la Mỹ bình quân 5 tháng/2009 tăng 10,22% so với 5 tháng/2008
c. Xuất, nhập khẩu hàng hoá
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 5/2009 ước tính đạt 4,4 tỷ USD, tăng 2,8% so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch tăng cao so với tháng 4/2009 là: Dầu thô tăng 48 triệu USD; hàng dệt may tăng 37 triệu USD; thủy sản tăng 10 triệu USD; điện tử máy tính và linh kiện tăng 5 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2009, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 22,9 tỷ USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2008, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 12 tỷ USD, tăng 12% (nếu loại trừ vàng tái xuất thì giảm 12%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả dầu thô) đạt 10,9 tỷ USD, giảm 21,4%.
Trong 5 tháng đầu năm 2009, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu giữ được tốc độ tăng cao cả về lượng và kim ngạch như: Gạo tăng 43,3% về lượng và tăng 20,2% về kim ngạch; chè tăng 17,5% và tăng 13,4%; sắn và sản phẩm của sắn tăng mạnh với mức tăng 129,6% về kim ngạch. Một số mặt hàng nông sản khác do ảnh hưởng của giá thế giới giảm nên tuy tăng về lượng nhưng kim ngạch giảm là: Cà phê tăng 21,6% về lượng, giảm 12,1% về kim ngạch; hạt tiêu tăng 43,3% về lượng, giảm 6,2% về kim ngạch. Kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng khác giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó dầu thô tuy lượng tăng 22,5% nhưng kim ngạch chỉ đạt 2,6 tỷ USD, giảm 44% do giá giảm mạnh; hàng dệt may đạt 3,2 tỷ USD, giảm 1,8%; giày dép đạt 1,6 tỷ USD, giảm 10,1%; thủy sản đạt 1,4 tỷ USD, giảm 9,1%; cà phê đạt 963 triệu USD, giảm 12,1%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 939 triệu USD, giảm 19,8%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 909 triệu USD, giảm 8%; than đá đạt 479 triệu USD, giảm 20,7%.
Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ tháng 4/2009 đạt 879 triệu USD, tăng 3,3% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này 4 tháng đầu năm 2009 lên 3,2 tỷ USD, mức cao nhất trong các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 5/2009 ước tính đạt 5,9 tỷ USD, tăng 8,1% so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2009, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 24 tỷ USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2008, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 15,5 tỷ USD, giảm 41,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,5 tỷ USD, giảm 26,9%.
Nhìn chung 5 tháng đầu năm 2009, kim ngạch nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó sắt thép giảm mạnh nhất với 60,8%; xăng dầu giảm 55,3%; ô tô giảm 48,3%; gỗ và nguyên phụ liệu gỗ giảm 44,5%; bông giảm 41,9%; phân bón giảm 31,6%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu giảm 30,9%; chất dẻo giảm 28,9%; xe máy giảm 28,3%; thuốc trừ sâu giảm 25%; máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng giảm 23,9%; hóa chất giảm 23,7%; giấy giảm 23,3%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép giảm 20%; sợi dệt giảm 18,2%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 18,1%; sản phẩm hóa chất giảm 16,2%. Riêng mặt hàng tân dược tăng 25,6% so với 5 tháng đầu năm 2008
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 4/2009 từ các thị trường lớn đều tăng so với tháng trước, trong đó đứng đầu là Trung Quốc đạt 1,2 tỷ USD, tăng 7%; Nhật Bản 573 triệu USD, tăng 1,9%; Đài Loan 523 triệu USD, tăng 7%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2009, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đạt mức cao nhất trong các thị trường với 4,1 tỷ USD.
Nhập siêu hàng hóa tháng 5/2009 ước tính 1,5 tỷ USD, bằng 34,1% kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 5 tháng đầu năm 2009, nhập siêu hàng hóa 1,1 tỷ USD, bằng 4,9% kim ngạch xuất khẩu.
d. Khách quốc tế đến Việt Nam
Khách quốc tế đến nước ta 5 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 1614,5 nghìn lượt người, giảm 18,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch đạt 986,4 nghìn lượt người, giảm 22%; đến vì công việc 285,4 nghìn lượt người, giảm 23,9%; thăm thân nhân đạt 235,8 nghìn lượt người, tăng 1,1%. Khách quốc tế đến nước ta bằng đường hàng không đạt 1345,8 nghìn lượt người, giảm 11%; đến bằng đường biển 33,3 nghìn lượt người, giảm 61,2%, đến bằng đường bộ 235,4 nghìn lượt người, giảm 39,4%.
Trong 5 tháng đầu năm 2009, một số quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng khách đến Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm 2008 là: Trung Quốc 189,1 nghìn lượt người, giảm 38,3%; Hoa Kỳ 185,8 nghìn lượt người, giảm 1,2%; Hàn Quốc 171,7 nghìn lượt người, giảm 22%; Nhật Bản 156,9 nghìn lượt người, giảm 8,2%; Đài Loan 117,5 nghìn lượt người, giảm 16,5%; Ôx-trây-li-a 99,6 nghìn lượt người, giảm 4,3%. Bên cạnh đó, một số quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng khách đến nước ta cao hơn so với cùng kỳ năm trước là: Ca-na-đa 42,4 nghìn lượt người, tăng 4,2%; Ma-lai-xi-a 72,1 nghìn lượt người, tăng 0,9%. 
e. Vận tải
Vận tải hành khách 5 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 799,6 triệu lượt khách, tăng 6,8% và 34,4 tỷ lượt khách.km, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vận tải trung ương đạt 12 triệu lượt khách, giảm 15,2% và 8,9 tỷ lượt khách.km, giảm 5,1%; vận tải địa phương đạt 787,6 triệu lượt khách, tăng 7,3% và 25,6 tỷ lượt khách.km, tăng 7,1%. Vận tải hành khách đường bộ 5 tháng đầu năm 2009 đạt 720,4 triệu lượt khách, tăng 7,4% và 24,6 tỷ lượt khách.km, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước; vận tải đường sông đạt 67,9 triệu lượt khách, tăng 2,3% và 1,4 tỷ lượt khách.km, tăng 1,7%; vận tải đường biển đạt 2,5 triệu lượt khách, tăng 3,2% và 159,5 triệu lượt khách.km, tăng 5,2%. Riêng vận tải hành khách đường sắt và đường hàng không giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó đường sắt giảm 3,3% về vận chuyển và giảm 13,8% về luân chuyển; đường hàng không giảm 2,4% và giảm 3,2%.
Vận tải hàng hóa 5 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 260,6 triệu tấn, giảm 1,5% và 69,7 tỷ tấn.km, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vận tải đường bộ đạt 187,2 triệu tấn, tăng 0,3% và 9,5 tỷ tấn.km, tăng 1%; đường sông đạt 52,3 triệu tấn, giảm 2,3% và 8,4 tỷ tấn.km, giảm 6,7%; đường biển đạt 17,8 triệu tấn giảm 13,1% và 50,1 tỷ tấn.km, tăng 4,2%; đường sắt đạt 3,2 triệu tấn, giảm 17% và 1,5 tỷ tấn.km, giảm 19,5%.
f. Bưu chính viễn thông
Số thuê bao điện thoại phát triển mới 5 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 10,4 triệu thuê bao, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó thuê bao điện thoại cố định đạt 1,6 triệu thuê bao, tăng 62,4%. Số thuê bao điện thoại của cả nước tính đến cuối tháng 5/2009 đạt 91,8 triệu thuê bao (máy cố định đạt 15,7 triệu thuê bao), trong đó Tập đoàn Bưu chính Viễn thông đạt 54,5 triệu thuê bao. Số thuê bao internet băng thông rộng trên cả nước tính đến cuối tháng 5/2009 ước tính đạt 2,5 triệu thuê bao, trong đó Tập đoàn Bưu chính Viễn thông đạt 1,6 triệu thuê bao. Số người sử dụng internet trên cả nước đạt 22,4 triệu người. Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông 5 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 30,7 nghìn tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông đạt 23 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6%.
5. Thu chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/5/2009 ước tính bằng 31,8% dự toán năm, trong đó các khoản thu nội địa bằng 33,3%; thu từ dầu thô bằng 26%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 32,1%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước bằng 39,1%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) bằng 27,2%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước bằng 32,2%; thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao bằng 31,3%; thu phí xăng dầu bằng 47,5%; thu phí, lệ phí bằng 25,9%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/5/2009 ước tính bằng 28,2% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển bằng 29,5% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản bằng 28,4%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể bằng 32,1%; chi trả nợ và viện trợ bằng 32,2%.
6. Một số vấn đề xã hội
a. Thiếu đói trong nông dân
Theo báo cáo của các địa phương, từ 20/4 đến 19/5/2009, cả nước có 91,5 nghìn hộ thiếu đói và 416,2 nghìn nhân khẩu thiếu đói, chiếm 0,8% số hộ và chiếm 0,8% nhân khẩu nông nghiệp cả nước. Tình trạng thiếu đói tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên; một số địa phương có tỷ lệ nhân khẩu thiếu đói so với nhân khẩu nông nghiệp cao là: Cao Bằng 7,9%, Bắc Kạn 8,3% và Đắk Nông 10,7%. Các cấp, các ngành, các tổ chức đang tích cực triển khai công tác trợ giúp cho các hộ thiếu đói.
b. Tình hình dịch bệnh
Từ 20/4/2009 đến 20/5/2009, trên địa bàn cả nước có 3,4 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét; 4,9 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 414 trường hợp mắc bệnh viêm gan virút; 701 trường hợp mắc tiêu chảy cấp, trong đó 56 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả; 6 vụ ngộ độc thực phẩm với 114 trường hợp bị ngộ độc. Tính chung 5 tháng đầu năm 2009, cả nước có 16 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét; 16,6 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 1,8 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm gan virút; 28 vụ ngộ độc thực phẩm với 1,9 nghìn trường hợp bị ngộ độc.
Dịch cúm A/H1N1 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, theo báo cáo chính thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 21/5/2009, đã có 11034 trường hợp được xác nhận bị lây nhiễm cúm A/H1N1 ở 43 nước và vùng lãnh thổ, trong đó 85 người đã tử vong. Để ứng phó với dịch cúm này tại Việt Nam, Bộ Y tế đã và đang tích cực chỉ đạo các địa phương, các đơn vị liên quan triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa như: Theo dõi thường xuyên diễn biến của dịch trên thế giới; giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu quốc tế; tổ chức diễn tập tình huống; thông tin, tuyên truyền về diễn biến dịch và các biện pháp phòng, chống.
Trong tháng 5/2009 đã phát hiện thêm 1 nghìn trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV của cả nước tính đến 20/5/2009 lên 187,2 nghìn người, trong đó 73,9 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 42,6 nghìn người đã tử vong do AIDS.
c. Tai nạn giao thông
Theo báo cáo của Uỷ ban ATGT quốc gia, trong tháng 4/2009, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 971 vụ tai nạn giao thông, làm chết 915 người và làm bị thương 600 người. So với tháng 3/2009, số vụ tai nạn giao thông giảm 8%, số người chết giảm 7,5% và số người bị thương giảm 12%. So với cùng kỳ năm 2008, số vụ tai nạn giao thông giảm 9,7%, số người chết giảm 4,8% và số người bị thương giảm 15,3%. Riêng trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 01/5 (từ 29/4 đến 03/5/2009), trên địa bàn cả nước đã xảy ra 160 vụ tai nạn giao thông, làm chết 163 người và làm bị thương 139 người.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2009, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 4188 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3947 người và làm bị thương 2706 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 3,6%, số người chết giảm 1,8% và số người bị thương giảm 1,6%. Bình quân 1 ngày trong 4 tháng đầu năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 35 vụ tai nạn giao thông, làm chết 33 người và làm bị thương 23 người.
d. Thiệt hại do thiên tai
Mưa, lũ và bão xảy ra cuối tháng 4 đến giữa tháng 5/2009 đã ảnh hưởng mạnh đến 14 tỉnh trên cả nước (Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Bình Thuận, Đồng Tháp, Trà Vinh). Theo báo cáo sơ bộ của các tỉnh trên, thiên tai đã làm 10,3 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng; 18 người chết và mất tích, trong đó riêng địa bàn huyện Yên Thành (Nghệ An) có 6 người chết trong trận mưa ngày 16/5/2009. Chính quyền địa phương các cấp đã kịp thời chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai, nhằm nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống dân cư.
Khái quát lại, kinh tế-xã hội nước ta 5 tháng đầu năm 2009 đã có dấu hiệu sớm được phục hồi sau thời gian bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng bước đầu đã phát huy tác dụng, nhiều công trình, dự án quan trọng đang được tập trung đầu tư để phát triển sản xuất và giải quyết mục tiêu an sinh xã hội. Sản xuất công nghiệp từng bước ổn định, sản lượng nhiều sản phẩm quan trọng đạt mức tăng khá. Chỉ số giá tiêu dùng ở mức hợp lý. Kim ngạch hàng hoá xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực có xu hướng tăng cao. An ninh xã hội được đảm bảo, đời sống dân cư từng bước được cải thiện. Để phát huy kết quả đạt được trong những tháng tiếp theo, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống dân cư, các ngành, các cấp, các địa phương cần tập trung làm tốt một số vấn đề chủ yếu sau đây:
Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm và đồng bộ Nghị quyết 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội;
Hai là, theo dõi chặt chẽ biến động giá của thị trường hàng hoá trong quá trình triển khai thực hiện gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng, để kịp thời có những giải pháp và chính sách phù hợp nhằm ngăn ngừa tái lạm phát;
Ba là, khẩn trương nghiên cứu và kịp thời đề ra những giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân được tiếp cận với các nguồn vốn vay trung và dài hạn để phát triển sản xuất, đặc biệt là mua sắm máy móc, thiết bị, công cụ vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, nguyên vật liệu để xây dựng nhà ở khu vực nông thôn; các nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp, ký túc xá cho sinh viên;
Bốn là, chủ động tháo gỡ khó khăn, hạ giá thành sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu, đặc biệt hàng tiêu dùng nhằm bảo đảm hàng hoá tiêu thụ trong nước. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất trong những lĩnh vực có thị trường;
Năm là, tiếp tục triển khai mạnh và hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, thực hiện các chế độ, chính sách kịp thời, đúng đối tượng. Xây dựng chương trình kế hoạch tạo thêm việc làm nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm.
Nguồn : Báo cáo Tổng cục Thống kê số: 22/TCTK-TKTH
Lượt người xem:  Views:   354
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật(Time)

Phân loại

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Loại bài viết

Tin liên quan

Audio

Từ khóa

FriendlyName

Tin nổi bật

Email

Tác giả

Hệ số ảnh

Hệ số lương cơ sở

Hệ số tin

LuongCoSo

Tiền nhuận bút

Từ khóa

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Tin chỉ đạo điều hành