Trả lời phản ánh kiến nghị
Thứ 4, Ngày 30/09/2020, 16:00
Trả lời kiến nghị của cử tri ngành Y tế gửi đến trước Kỳ họp thứ 15 - HĐND tỉnh khóa IX
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
30/09/2020 | Phương Chi

​​

A. Nội dung thuộc thẩm quyền của trả lời của Sở Y tế

I. Phản ánh kiến nghị của cử tri ngành y tế tại Hội nghị tiếp xúc ngày 17/6/2020 (Phụ lục 1 - Công văn số 108/HĐND-VP ngày 29/6/2020):

1. Trả lời Bác sỹ Đặng Đình Tuấn - Trạm Y tế phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An

  1. Liên quan đến Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương: không có nội dung đề cập về chế độ thu hút, đãi ngộ cho bác sỹ y học cổ truyền, hỗ trợ chế độ cho thâm niên. Kiến nghị xem xét thêm các trường hợp này.
    - Chế độ thu hút, đãi ngộ chỉ áp dụng đối với các chức danh nghề nghiệp đang thiếu và trong một thời gian dài không tuyển dụng được. Bác sĩ y học cổ truyền không thuộc đối tượng này.
    - Bác sĩ YHCT được hỗ trợ chế độ thâm niên theo Khoản 1, Điều 21, Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND ngày 31/7/2019 của HĐND tỉnh Bình Dương ban hành Quy định về chính sách thu hút chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương.
  2. Hiện tại, đang thực hiện cắt giảm tiền lương 01 biên chế trạm y tế phường, dùng khoản khám chữa bệnh để trả lương cho nhân viên đó, nhưng thực tế không phải trạm y tế nào đều có khả năng thu hút bệnh nhân về khám chữa bệnh. Đề nghị tỉnh xem xét có hướng để thực hiện cho cán bộ y tế tuyến xã ?
    Nội dung này thuộc thẩm quyền giải quyết của Phòng Tài chính thành phố Dĩ An.
  3. Về sự phối hợp giữa Trạm Y tế phường và UBND phường: đề nghị có quy định phối hợp rõ ràng để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ các bên, nhất là trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
    Theo Nghị định 117/2014/NĐ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ Quy định về y tế xã, phường, thị trấn và Thông tư 33/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 của Bộ Y tế Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thì Trạm y tế xã chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
  4. Có hay không việc Trạm y tế đóng gần Bệnh viện hoặc Trung tâm Y tế cấp huyện thì sáp nhập, nếu có thì thời gian nào?
    Theo kế hoạch 4651/KH-UBND ngày 02/10/2018 của UBND tỉnh Bình Dương Kế hoạch sắp xếp đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của ca1xc đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018 – 2021, thì những địa bàn cấp xã đã có Trung tâm Y tế cấp huyện hoặc phòng khám đa khoa khu vực trú đóng và hoạt động thì không thành lập trạm y tế. Thực hiện thí điểm trạm y tế liên phường. Hoàn thành trong quý IV/2021.
    2. BS. Ngô Hồng Quang – PGĐ TTYT TP. Dĩ An:
    a) Về việc tuyến huyện, tuyến xã gặp khó khăn trong quyết toán BHYT vì theo quy định tại Khoản 6, Điều 5 Thông tư số 39/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp như sau:
    "Các cơ sở y tế phải điều phối, bố trí nhân lực, số bàn khám theo yêu cầu để bảo đảm chất lượng khám bệnh. Đối với các bàn khám khám trên 65 lượt khám/01 ngày: cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ thanh toán bằng 50% mức giá khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó. Trong thời gian tối đa 01 quý, cơ sở y tế vẫn còn có bàn khám khám trên 65 lượt/ngày thì cơ quan bảo hiểm xã hội không thanh toán tiền khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó."
    Vấn đề này là một trong những khó khăn của ngành Y tế trong KCB BHYT. Tại các cuộc họp liên quan đến BHYT, nhiều tỉnh/thành phố đã có ý kiến đề nghị thay đổi quy định này cho phù hợp thực tế tại tuyến huyện/xã. Tuy nhiên, đến hiện nay, Bộ Y tế chưa có văn bản mới thay thế. Sở Y tế sẽ tiếp tục kiến nghị đến Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh quy định về lượt khám/bàn khám/ngày cho phù hợp hơn.
    * Trung tâm Y tế TP. Dĩ An:
    - Vấn đề lợi dung thông tuyến BHYT để KCB BHYT ở nhiều nơi: Được kiểm soát tại phần mềm KCB BHYT. Tuy nhiên, vẫn còn một vài trường hợp chưa kịp thời phát hiện. Cơ quan BHXH Bình Dương sẽ trả lời thêm vấn đề này.
    - Quy định về cấp phép hoạt động, CCHN: Đây là các văn bản quy định của Bộ Y tế. Cơ quan BHXH chỉ thực hiện theo quy định của văn bản của Bộ Y tế. Đây là một trong những bất cập mà nhiều tỉnh/thành phố đã có kiến nghị với Bộ Y tế để điều chỉnh. Sở Y tế sẽ tiếp tục kiến nghị vấn đề này lên Bộ Y tế xem xét.
    3. BS. Nguyễn Văn Đức – GĐ TTYT TP. TDM:
    - Định mức số lượt KCB/bàn khám/ngày: Đã trả lời ở trên.
    - Một số danh mục kỹ thuật chưa có giá: Các đơn vị chờ Bộ Y tế xem xét, thống nhất cùng BHXH Việt Nam để bổ sung, điều chỉnh.
    - Vấn đề giám định chi phí KCB của cơ quan BHXH: Đề nghị đơn vị có văn bản cụ thể gửi Sở Y tế và BHXH để chúng tôi phối hợp cùng BHXH Bình Dương giải quyết.
    - Về dự toán KCB BHYT hàng năm (tính từ 2014 đến 2019), tính chung trên cả tỉnh chỉ đạt cao nhất khoảng 61% số thu BHYT hàng năm (theo quy định của Luật BHYT, quỹ KCB BHYT – từ 2018 gọi là dự toán KCB BHYT – phải đạt 90% tổng số thu BHYT hàng năm). Do dự toán giao thấp, trong khi tỉ lệ người dân tham gia BHYT, nhu cầu KCB BHYT ngày càng tăng, hầu hết các cơ sở KCB BHYT đều bị vượt dự toán. Từ năm 2017 trở về trước, các đơn vị giải trình hợp lý sẽ được cơ quan BHXH thanh toán phần kinh phí KCB vượt dự toán theo thực tế, vì vậy các đơn vị ít gặp khó khăn trong hoạt động KCB BHYT. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, cơ quan BHXH chỉ thanh toán chi phí KCB trong dự toán giao nên các đơn vị rất khó khăn trong hoạt động KCB BHYT. Đề nghị cơ quan BHXH Bình Dương có văn bản đề xuất cơ quan BHXH Việt Nam tham mưu Thủ tướng Chính phủ giao dự toán KCB BHYT phù hợp hơn với số thu để đảm bảo hoạt động KCB BHYT, tăng cường lòng tin của người dân, gia tăng tỉ lệ người dân tham gia BHYT.
    - TTYT TP. TDM đã được xếp hạng III (theo Quyết định số 1938/QĐ-UBND ngày 12/8/2013 của UBND tỉnh về việc xếp hạng các Trung tâm Y tế huyện). Trung tâm có Phòng khám đa khoa thuộc Trung tâm (không có bệnh viện). Mức giá thu tiền công KCB, ngày giường bệnh của Trung tâm chỉ được tính bằng giá của BV hạng IV hoặc chưa xếp hạng hay Trạm Y tế theo quy định tại Phụ lục I, II Thông tư số 39/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp. Đây cũng là một vướng mắc trong KCB BHYT mà các tỉnh/thành phố đã kiến nghị cùng Bộ Y tế. Đơn vị chờ văn bản thay đổi, bổ sung của Bộ Y tế.
    - Về kinh phí xác định đối tượng nghiện và công tác phối hợp thực hiện xác định nghiện trên địa bàn:
    + Kinh phí xác định đối tượng nghiện: TTYT dự toán, gửi Phòng Tài chính – Kế hoạch thành phố từ đầu năm để trình UBND thành phố phê duyệt. Vấn đề này cần xin thêm ý kiến của Sở Tài chính.
    + Công tác phối hợp xác định nghiện: Sau khi cơ quan Công an thu gom các đối tượng nghiện về nơi tập trung (có thể là cơ sở y tế, trụ sở Công an...) sẽ có văn bản đề nghị ngành Y tế hỗ trợ xác định đối tượng nghiện. Ngành Y tế sẽ cử cán bộ (đã được tập huấn và đủ khả năng xác định đối tượng nghiện) của Trạm Y tế phường (hoặc TTYT thành phố) hỗ trợ ngành Công an xác định đối tượng nghiện. Kết quả sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể (trong vòng 5 ngày). Đơn vị tham khảo Chương II Quyết định số 17/2017/QĐ-UBND ngày 03/8/2017 của UBND tỉnh Bình Dương Ban hành Quy chế phối hợp lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
    + Việc phân bổ nhóm đối tượng đăng ký KCB ban đầu của TTYT TDM: Đơn vị có văn bản đề nghị khoảng tháng 12 của năm trước để Sở Y tế phối hợp cùng BHXH tỉnh giải quyết.
    4. BS. Nguyễn Văn Đặng – GĐ TTYT thị xã Tân Uyên:
    Lượt khám/bàn khám/ngày, nội dung này đã trả lời ở trên.
    5. BS. Phan Quang Toàn – TTYT huyện Dầu Tiếng:
    - Trường hợp BS YHCT đã được đào tạo phục hồi chức năng (PHCN): Sáng khám bệnh YHCT, chiều khám PHCN thì bị cơ quan BHXH xuất toán.
    BS YHCT đào tạo PHCN (trước khi có Công văn số 1659/BYT-PC ngày 29/3/2019 của Bộ Y tế về việc chấn chỉnh việc cấp bổ sung, thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn) phải được cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn KCB PHCN trong CCHN/hoặc được Giám đốc đơn vị ban hành quyết định KCB YHCT và PHCN, có đăng ký danh sách hành nghề về Sở Y tế thì khi KCB BHYT sẽ không bị cơ quan BHXH xuất toán.
    Để có cơ sở xem xét trả lời cụ thể, đơn vị cần cung cấp những thông tin sau: BS YHCT được đào tạo PHCN tại đâu ? Thời gian đào tạo bao lâu ? Đã được cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề (CCHN) chưa ? Đơn vị có quyết định phân công bác sĩ này khám YHCT và PHCN chưa ? Danh sách đăng ký hành nghề của đơn vị gửi về Sở Y tế có ghi rõ thời gian khám trong ngày của BS này chưa ?
    - Về danh mục kỹ thuật:
    Bộ Y tế đã có Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 Quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư số 21/2017/TT-BYT ngày 10/5/2017 Sửa đổi, bổ sung danh mục kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh ban hành kèm theo Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 Quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư số 50/2017/TT-BYT ngày 29/12/2020 sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và Thông tư số 35/2019/TT-BYT ngày 30/12/2019 Quy định phạm vi hoạt động chuyên môn đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
    Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn những thiếu sót cần phải điều chỉnh. Rất mong trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ có những thay đổi, bổ sung, điều chỉnh phù hợp hơn.
    II. Nội dung phản ánh các khó khăn, kiến nghị của các đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh ngành y tế (Phụ lục 2 - Công văn số 108/HĐND-VP ngày 29/6/2020):
  1. Bệnh viện đa khoa tỉnh:
    + Các vấn đề Bệnh viện đa khoa tỉnh nêu về khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đang phối hợp cùng BHXH Việt Nam để giải quyết. Sở Y tế sẽ tiếp tục kiến nghị những nội dung trên về Bộ Y tế.
    + Về việc không trùng khớp thông tin của người bệnh trên thẻ BHYT: Do cơ quan BHXH trả lời.
    + Về việc thanh toán chi phí KCB BHYT: Các đơn vị chờ Bộ Y tế xem xét, thống nhất cùng BHXH Việt Nam để bổ sung, điều chỉnh.
    + Về phần công tác dự phòng:
    Hiện tại, Bệnh viện đa khoa tỉnh đang có phòng cách ly để điều trị bệnh nhân dương tính với Covid-19 với sức chứa 50 giường. Ngành Y tế đã tham mưu UBND tỉnh về việc mua sắm trang thiết bị y tế cho các khu cách ly và khu điều trị. Tuy nhiên, Bình Dương hiện chưa có ca bệnh, các Bệnh viện tuyến trên như: BV Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy...vẫn còn khả năng đáp ứng điều trị, vì vậy dự trù mua sắm trang thiết bị đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương nhưng sẽ chia ra mua sắm trong nhiều giai đoạn. Ngoài ra, ngành Y tế đã tham mưu UBND tỉnh Kế hoạch thành lập Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 của tỉnh Bình Dương số 02/KH-BCĐ ngày 20/4/2020, sẵn sàng đáp ứng khi BVĐK tỉnh bị quá tải bệnh nhân Covid-19.
    2. BV Y học cổ truyền:
    - Về việc giao dự toán KCB BHYT cho Bình Dương thấp: đã trả lời ở trên.
    - Về thanh quyết toán chi phí KCB BHYT còn chậm, treo kinh phí KCB BHYT: Vấn đề này thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan BHXH.
    3. BV Phục hồi chức năng:
    Việc quyết toán kinh phí KCB BHYT: Vấn đề này thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan BHXH.
    4. Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản:
    - Việc giao dự toán kinh phí KCB BHYT thấp: Đã trả lời ở trên.
    - Các vấn đề liên quan Chương trình Sữa học đường: Đề nghị Sở Giáo dục & Đào tạo có ý kiến trả lời.
    5. Trung tâm Y tế thị xã Bến Cát:
    - Việc cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trong CCHN hiện tạm dừng theo Công văn số 1659/BYT-PC ngày 29/3/2019 của Bộ Y tế. Sở Y tế Bình Dương đã có nhiều văn bản gửi Bộ Y tế, tuy nhiên đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Sở Y tế sẽ tiếp tục đề nghị Bộ Y tế xem xét.
    - Việc giao dự toán KCB BHYT thấp: Đã trả lời ở trên.
    6. Phòng Y tế huyện Dầu Tiếng:
    Về việc các cơ sở phun xăm thêu trên da (không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm, không có thủ thuật xâm nhập): Theo nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2020 của Bộ Y tế, các cơ sở này chỉ cần tự công bố đủ điều kiện là hoạt động. Bộ Y tế không có quy định công bố danh sách các cơ sở này lên website. Sở Y tế sẽ xem xét kiến nghị của Phòng Y tế huyện Dầu Tiếng.
    7. Bệnh viện đa khoa quốc tế Becamex:
    - Vấn đề sử dụng mã tương đương của các dịch vụ kỹ thuật chụp MRI từ 0.2 – 1.5 Tesla để thanh toán BHYT cho các dịch vụ kỹ thuật chụp MRI trên máy 3 Tesla để đảm bảo quyền lợi của người bệnh: Sở Y tế sẽ tiếp tục kiến nghị lên Bộ Y tế điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
    - Về các xét nghiệm thuộc các tuyến 1 và 2 (vượt tuyến) đã được cấp phép: Bệnh viện có thể liên hệ BHXH Bình Dương để ký hợp đồng KCB BHYT cho các năm sau.
    * Các nội dung về vấn đề thiếu vật tư y tế, hóa chất, vaccin:
    - Ngày 15/7/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết số 2028/QĐ-UBND về việc thành lập Đơn vị mua thuốc tập trung tỉnh Bình Dương với nhiệm vụ đấu thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, Căn cứ các qui định hiện hành về đấu thầu, hiện nay vật tư y tế, hóa chất, vaccin chưa có các văn bản hướng dẫn đấu thầu tập trung nên Sở Y tế đã có văn bản đề nghị các cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu mua vật tư y tế để phục vụ công tác điều trị tại đơn vị.  
    - Trong quá trình tổ chức đấu thầu mua vật tư y tế, hóa chất, vaccin phục vụ công tác điều trị các cơ sở y tế gặp khó khăn như: thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực đấu thầu; Các đơn vị còn lúng túng khi triển khai thực hiện đấu thầu qua mạng theo hướng dẫn của Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ Kế hoạch Đầu tư Quy định chi tiết việc đăng tải, cung cấp thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2020; Bên cạnh đó là sự phối hợp giữa ngành y tế và các ngành có liên quan chưa được chặt chẽ nhất là ở tuyến huyện, thị,... trong việc thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu nên quá trình tổ chức đấu thầu kéo dài gây nên tình trạng thiếu vật tư y tế, hóa chất, vaccin.
    - Hiện nay chưa có văn bản quy định về việc áp thầu mua vật tư y tế, hóa chất, vaccin nên không thể thực hiện việc áp thầu mua vaccin.
    - Hiện nay các cơ sở y tế đang tiến hành các thủ tục cần thiết để tô chức đấu thầu mua hóa chất, vật tư y tế và vaccin, hầu hết các kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua hóa chất, vật tư y tế và vaccin đã được UBND tỉnh phê duyệt.
    * Vấn đề mua sắm vật tư và thanh toán thuốc, vật tư nhỏ lẻ (từ vài trăm đến vài triệu): Phải thực hiện theo các qui định hiện hành về quản lý tài chính, Sở Y tế không có thẩm quyền gải quyết vấn đề này.
    B. NỘI DUNG THUỘC THẨM QUYỀN TRẢ LỜI CỦA SỞ NỘI VỤ
    I. NHÓM KIẾN NGHỊ VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY - BIÊN CHẾ
    1. Trả lời kiến nghị cử tri tại Phụ lục 1 khoản 1 điểm d:
    "Có hay không việc Trạm y tế đóng gần Bệnh viện hoặc Trung tâm Y tế cấp huyện thì sáp nhập, nếu có thì thời gian nào?"
    Theo yêu cầu nhiệm vụ đặt ra tại Mục II khoản 1 điểm 1.7 của Kế hoạch 4651/KH-UBND ngày 02/10/2018 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh: "Thực hiện một đầu mối cơ sở y tế công lập trên địa bàn cấp xã. Những địa bàn cấp xã đã có Trung tâm Y tế cấp huyện trú đóng và hoạt động thì không thành lập trạm y tế"(…) Cơ quan chủ trì thực hiện là Sở Y tế. Thời gian hoàn thành trong quý IV/2021.
    Tuy nhiên cho đến nay Sở Nội vụ vẫn chưa nhận được văn bản đề nghị hay tham mưu của Sở Y tế để thực hiện việc sắp xếp các Trạm y tế này.
    2. Kiến nghị về bổ sung biên chế theo định mức quy định của Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ (theo kiến nghị của Trung tâm Y tế Dầu Tiếng, Trung tâm Y tế Tân Uyên, Trung Tâm Y tế Thuận An)
    Trong giai đoạn sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế ở các đơn vị sự nghiệp công lập, biên chế không đủ đáp ứng thực hiện nhiệm vụ không chỉ là vấn đề khó khăn cho ngành y tế mà còn của tất cả các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp khác trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, song song với nhiệm vụ phải tinh giản biên chế theo quy định, đối với các đơn vị y tế có tăng chỉ tiêu giường bệnh thì UBND tỉnh đều xem xét trình Hội đồng nhân dân tỉnh bổ sung biên chế phù hợp để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, để đảm bảo biên chế của ngành giao đúng định mức biên chế theo quy định của Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV là rất khó vì hiện nay tổng biên chế sự nghiệp của tỉnh đều do Bộ Nội vụ quyết định.
    Hàng năm, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch biên chế và kiến nghị Bộ Nội vụ thẩm định bổ sung biên chế sự nghiệp cho ngành y tế và các đơn vị sự nghiệp khác theo quy định định mức và nhu cầu thực tế của các ngành, tuy nhiên trong nhiều năm qua, Bộ Nội vụ không xem xét bổ sung biên chế mà chỉ tinh giản biên chế theo tỷ lệ quy định, do vậy, biên chế không đảm bảo thực hiện nhiệm vụ là khó khăn chung của tỉnh.
    UBND tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét bổ sung biên chế phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương đồng thời đề nghị Sở Y tế cùng các đơn vị sự nghiệp y tế tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chấp hành tốt các quy định về tinh giản biên chế và tăng cường chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp đủ điều kiện tự chủ chi thường xuyên để giảm gánh nặng về biên chế.
    II. NHÓM KIẾN NGHỊ VỀ HỢP ĐỒNG, TUYỂN DỤNG VÀ XÉT THĂNG HẠNG VIÊN CHỨC
    1. Kiến nghị tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Y tế xem xét bố trí tổ chức kịp thời thi nâng ngạch, xét tuyển nâng ngạch cho cán bộ viên chức đã đủ điều kiện (Bác sĩ Bùi Công Chiến - Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng)
    Vừa qua, Sở Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với Sở Y tế trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức ngành y tế từ hạng IV lên hạng III (Kế hoạch số 3212/KH-UBND ngày 06/7/2020) và Đề án xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức ngành y tế từ hạng III lên hạng II. Hiện nay, đang đợi Bộ Nội vụ thẩm định Đề án, sau khi có kết quả thẩm định, Sở Nội vụ sẽ tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức ngành y tế và các bộ phận giúp việc, dự kiến sẽ triển khai ngay trong tháng 08/2020. Ngoài ra, Sở Nội vụ cũng đang tham mưu UBND tỉnh tổ chức xét tuyển viên chức ngành y tế, dự kiến vào quý IV/2020.
    2. Kiến nghị về hợp đồng chuyên môn đối với nhân lực ngành y tế (Bác sĩ Nguyễn Văn Đặng - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên)
    Vừa qua, sau khi có ý kiến của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có chủ trương cho hợp đồng các trường hợp có trình độ Đại học (Bác sĩ, Dược sĩ, Cử nhân các ngành y tế…). Chủ trương này xuất phát từ nhu cầu giữ chân nhân lực ngành y tế có trình độ đại học, chủ yếu là Bác sĩ. Hiện nay, do tình hình biên chế để tuyển dụng khá thấp nên 1-2 năm mới tổ chức tuyển dụng viên chức, vì vậy giữa những đợt tuyển dụng sẽ có khoảng thời gian trống, theo quy định hiện hành (Nghị định 161/2018/NĐ-CP) không cho phép hợp đồng đối với những vị trí xác định là viên chức. Điều này gây khó khăn cho đơn vị, khi cần bổ sung nhân lực ngành y tế có trình độ đại học để thay thế cho các trường hợp nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác. Nếu không có cơ chế hợp đồng trong thời gian chờ xét tuyển thì sẽ không thể giữ chân đội ngũ này đến khi tỉnh tổ chức xét tuyển. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương cho hợp đồng các trường hợp có trình độ Đại học trong phạm vi định mức theo Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước do Bộ Y tế - Bộ Nội vụ ban hành. Riêng các chức danh cao đẳng, trung cấp ngành y tế thì nguồn cung khá nhiều nên không cần thiết cho hợp đồng đối với các trường hợp này mà sẽ tuyển dụng chính thức trong các kỳ xét tuyển viên chức.
    III. NHÓM CÁC KIẾN NGHỊ VỀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 05/2019/NQ-HĐND CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH
    1. Kiến nghị bổ sung thêm đối tượng thu hút là cử nhân, dược sĩ, bác sĩ y học cổ truyền, bác sĩ phục hồi chức năng (Bệnh viện Phục hồi chức năng); Cần thu hút thêm bác sĩ Y học cổ truyền (Trung tâm Y tế huyện Bắc Tân Uyên);
    Ngày 31/7/2019, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND Quy định về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương (dưới đây viết tắt là Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND). Đây là chính sách do địa phương ban hành để giải quyết những khó khăn có tính cấp thiết nhất liên quan đến nguồn nhân lực trong điều kiện ngân sách địa phương có thể đáp ứng được.
    Xuất phát từ cơ sở nêu trên, việc thu hút nguồn nhân lực chỉ là một giải pháp tạm thời để tỉnh khắc phục tình hình thiếu nhân lực trong một số ngành, lĩnh vực và trong một thời gian nhất định. Đối với lĩnh vực y tế, căn cứ vào nhu cầu của các cơ sở y tế, nguồn tuyển dụng…, tỉnh chỉ thu hút đối với tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ đa khoa, bác sĩ răng hàm mặt chính quy (hệ đào tạo 06 năm), cử nhân, kỹ sư chuyên ngành Bảo trì trang thiết bị y tế hoặc Vật lý kỹ thuật y sinh là những ngành có khó khăn nhất trong tuyển dụng do số lượng đào tạo ít trong khi nhu cầu của các cơ sở y tế công lập rất lớn so với các chuyên ngành khác.
    2. Kiến nghị mở rộng đối tượng thu hút bác sĩ được đào tạo ở một số trường ngoài 05 trường như quy định Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND để thu hút nhân lực y tế cho tuyến huyện, tuyến xã (Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên và Trung tâm Y tế huyện Bắc Tân Uyên)
    Hiện nay, cả nước có nhiều cơ sở đào tạo chuyên ngành y nhưng chất lượng đầu ra không đồng đều. Nghị quyết số 05/NQ-HĐND quy định chỉ thu hút bác sĩ được đào tạo từ 01 trong 05 trường Đại học gồm: Y Hà Nội, Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Y Dược Huế, Y Dược Cần Thơ, Y Khoa Phạm Ngọc Thạch vì xét thấy việc thu hút cần có sự chọn lọc, không thể thu hút đại trà, nhất là đối với ngành y tế để đảm bảo nhân lực thu hút đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập.
    3. Kiến nghị ngoài việc thu hút nguồn nhân lực nên chú ý và quan tâm hơn nữa chế độ nhằm "giữ chân" đối với đội ngũ làm công tác y tế (Trung tâm Y tế thành phố Thủ Dầu Một)
    Ngoài việc thu hút nguồn nhân lực, nhiều năm qua tỉnh cũng rất chú trọng đến việc ban hành các chế độ hỗ trợ cho công chức, viên chức y tế. Cụ thể như chế độ hỗ trợ hàng tháng cho viên chức chuyên môn y tế, hỗ trợ lương khởi điểm trong thời gian tập sự, hỗ trợ thuê nhà ở cho đối tượng thu hút…Vừa qua, khi ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND, để "giữ chân" đối với bác sĩ là nhân lực tỉnh đang có nhu cầu nên tỉnh đã ban hành thêm chế độ hỗ trợ thâm niên cho bác sĩ công tác tại các cơ sở y tế công lập; hỗ trợ một lần cho bác sĩ đa khoa, chuyên khoa, bác sĩ răng hàm mặt (trước đó tốt nghiệp hệ chính quy 6 năm) đang công tác tại khối điều trị. Ngoài ra, viên chức y tế sau thời gian công tác nếu có yêu cầu và đáp ứng đủ các điều kiện về đào tạo đều được tỉnh cử đi đào tạo nâng cao trình độ (đào tạo bác sĩ, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, thạc sĩ, tiến sĩ...). Các chế độ, chính sách nêu trên cũng là một trong những giải pháp "giữ chân" đối với đội ngũ làm công tác y tế mà tỉnh đang thực hiện.  
    5. Kiến nghị tất cả các nhân viên ngành y tế đều được hưởng thâm niên theo Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND (Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên và Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng); xem xét bổ sung chế độ thu hút, thâm niên đãi ngộ cho bác sĩ y học cổ truyền (Bác sĩ Đặng Đình Tuấn - Trạm Y tế phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An); Bác sĩ đông y, bác sĩ rằng hàm mặt không được hưởng chế độ hỗ trợ (Bác sĩ Bùi Công Chiến - Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng)
    - Nghị quyết số 05/NQ-HĐND có bổ sung thêm chế độ hỗ trợ thâm niên đối với bác sĩ công tác tại các cơ sở y tế công lập và chế độ hỗ trợ một lần cho bác sĩ đa khoa, chuyên khoa, bác sĩ răng hàm mặt (trước đó tốt nghiệp hệ chính quy 6 năm) đang công tác tại khối điều trị. Trên cơ sở vận dụng chế độ thâm niên của một số ngành, tỉnh ban hành thêm chế độ hỗ trợ thâm niên đối với bác sĩ là nhân lực tỉnh rất thiếu so với viên chức y tế các chuyên ngành khác. Do tình hình ngân sách địa phương chưa cho phép trong khi số lượng viên chức y tế khá lớn nên tỉnh chưa thể giải quyết chế độ thâm niên cho tất cả nhân viên y tế cũng như hỗ trợ một lần cho các chuyên ngành khác trong đó có bác sĩ y học cổ truyền (bác sĩ đông y) theo như đề nghị.
    - Riêng bác sĩ răng hàm mặt tùy thuộc vào thời gian công tác được hưởng chế độ hỗ trợ một lần theo quy định tại khoản 2 Điều 21 của Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND.
    IV. NHÓM CÁC KIẾN NGHỊ VỀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH KHÁC
    1. Kiến nghị chưa có bồi dưỡng chế độ ưu đãi cho Nhân viên y tế (NVYT) làm công tác lây nhiễm theo quy định (Tại điểm 3 phần 2 Mục VI - Phụ lục số 02 - Trung tâm Y tế thành phố Thuận An).
    Ngày 10/9/2012, liên sở Y tế, Nội vụ, Tài chính đã ban hành Hướng dẫn liên sở số 70/HDLS-YT-NV-TC về việc thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức ngành y tế tỉnh Bình Dương (Hướng dẫn số 70/HDLS-YT-NV-TC này bãi bỏ Phần I Hướng dẫn liên sở số 1307/HDLS-YT-NV-TC).
    Theo đó, mức hưởng 70% ưu đãi đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm xét nghiệm, khám điều trị chăm sóc bệnh nhân HIV, lao (theo khoản a, mục 1. Điều 3, mức phụ cấp ưu đãi của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP) của các Trung tâm Y tế huyện, thị như sau:
    - Hệ Điều trị: các Bệnh viện tuyến huyện, thị ngoài Khoa Giải phẫu bệnh lý được hưởng 70%, còn có 10 suất cụ thể:
    + Khoa Cấp cứu - Hồi sức: 2 suất;
    + Khoa Phụ sản: 01 suất;
    + Khoa Nội - Nhi nhiễm (Bộ phận Nhi): 02 suất;
    + Khoa Nội - Nhi nhiễm (Bộ phận truyền nhiễm): 03 suất;
    + Khoa Xét nghiệm (Xét nghiệm vi sinh): 02 suất.
    - Hệ Dự phòng có 04 suất:
    + Khoa Y công cộng và quản lý CBXH (viên chức trực tiếp làm lao, tâm thần): 02 suất;
    + Khoa xét nghiệm (trực tiếp làm xét nghiệm HIV/AIDS, lao): 01 suất;
    + Khoa Kiểm soát dịch bệnh, HIV/AIDS (trực tiếp làm công tác HIV/AIDS): 01 suất.
    Như vậy, ngoài các viên chức Khoa Giải phẫu bệnh lý được hưởng mức hưởng 70% ưu đãi theo Nghị định số 56/2011/NĐ-CP, Trung tâm Y tế Thuận An còn 14 suất hiện đang được hưởng.
    Hồ sơ thủ tục đề nghị, như phần 2 Mục 2 Hướng dẫn liên sở số 70/HDLS-YT-NV-TC ngày 10/9/2012.
    2. Kiến nghị các viên chức - người lao động có vị trí việc làm tại khu thu viện phí và tài xế vận chuyển người bệnh thường xuyên tiếp xúc với người bệnh có các bệnh lây nhiễm và tài xế thường xuyên vận chuyển người bệnh nặng mắc các bệnh lây nhiễm, có nguy cơ lây nhiễm cao đề nghị được hưởng mức độc hại hệ số 0.1 theo quy định tại mục a khoản 2 Thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ (Tại điểm 1 phần 1 Mục XI - Phụ lục số 02 - Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng)  
    Về nội dung này Sở Nội vụ có ý kiến như sau: vị trí việc làm thu viện phí và tài xế không thuộc đối tượng được hưởng theo quy định.
    3. Kiến nghị các viên chức quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế nhưng làm chung môi trường cơ sở y tế, đề nghị được tăng mức phụ cấp ưu đãi từ 20% lên 40% hưởng theo điểm b điều 5 của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập (Tại điểm 2 phần 1 Mục XI - Phụ lục số 02 - Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng)
    Khoản 6 Điều 3 của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP đã quy định cụ thể đối với các đối tượng này.
    C. NỘI DUNG THUỘC THẨM QUYỀN TRẢ LỜI CỦA SỞ TÀI CHÍNH TỈNH.
    I. Các ý kiến liên quan đến các đơn vị tuyến tỉnh
    * PHẦN I. CÁC NỘI DUNG PHẢN ÁNH KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI NGÀNH Y TẾ TẠI HỘI NGHỊ TIẾP XÚC NGÀY 17/6/2020.
  1. Bs Quách Trung Nguyên. Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền
  1. Đề nghị tăng mức hỗ trợ trang phục chuyên môn y tế
    Việc hỗ trợ tiền trang phục chuyên môn y tế với mức chi 300.000 đồng/2 bộ/người/năm được quy định tại Khoản 3, Điều 1, Quyết định số 33/2012/QĐ-UBND. Đối với nội dung này, đề nghị đơn vị gửi Sở Y tế tổng hợp, rà soát các quy định hiện hành để trình cấp thẩm quyền điều chỉnh mức chi cho phù hợp. 
  2. Đề nghị đấu thầu tập trung đối với mua hóa chất vật tư tiêu hao:
    Việc đấu thầu mua sắm tập trung của ngành y tế thực hiện Quyết định số 887/QĐ-UBND và Quyết định số 1652/QĐ-UBND. Trường hợp đối với nội dung mua sắm hóa chất vật tư tiêu hao đơn vị thấy cần thiết phải tổ chức đấu thầu tập trung, đề nghị đơn vị gửi Sở Y tế tổng hợp trình cấp thẩm quyền quyết định.
    c) Đề nghị hướng dẫn việc về mua sắm và thanh toán thuốc tân dược, vật tư y tế nhỏ lẻ:
    c.1) Về thuốc: Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập; trong đó quy định về mua thuốc tại cơ sở y tế và mua thuốc tập trung; Do vậy, đề nghị đơn vị nghiên cứu các quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BYT, các quy định hiện hành trong đấu thầu để thực hiện.
    c.2). Về vật tư y tế nhỏ lẻ.
    Tại Khoản 19, Điều 3, Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg quy định "Gói thầu có giá gói thầu không quá 50.000.000 đồng" thuộc danh mục các gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.
    Tại Khoản 7, Điều 4, Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg quy định quy trình đấu thầu đối với gói thầu có giá gói thầu không quá 50.000.000 đồng như sau: "Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định việc mua sắm bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; không bắt buộc phải ký hợp đồng với nhà cung cấp nhưng phải bảo đảm chế độ hóa đơn, chứng từ đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật (không phải lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu).
    Đề nghị đơn vị nghiên cứu các quy định trên để thực hiện việc mua sắm và thanh toán việc mua sắm vật tư y tế nhỏ lẻ theo quy định.
    * PHẦN II. CÁC NỘI DUNG PHẢN ÁNH CÁC KHÓ  KHĂN, KIẾN  NGHỊ CỦA CÁC ĐƠN VỊ, CƠ SỞ KHÁM CHỮA BỆNH NGÀNH Y TẾ
  1. Bệnh viện Đa khoa tỉnh
    Theo Công văn số 6280/UBND-KTTH, gia đoạn 2019-2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên (đơn vị thuộc nhóm 2 quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP).
    Theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 7, Chương II Nghị định số 85/2012/NĐ-CP: "Đối với đơn vị thuộc nhóm 1, nhóm 2: Kế hoạch tuyển dụng viên chức của đơn vị do người đứng đầu đơn vị quyết định theo thẩm quyền để bảo đảm thực hiện được kế hoạch hoạt động chuyên môn nhưng phải báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp, theo dõi, kiểm tra, giám sát".
    Đồng thời, theo quy định tại Khoản 1, Điều 7 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP: "Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên quyết định số lượng người làm việc;…".
    Việc đơn vị phản ảnh: "Đơn vị chưa tự quyết số viên chức, người lao động làm việc, mà cơ quan cấp trên vẫn giao chỉ tiêu biên chế sự nghiệp cho đơn vị…(trong khi đó, các đơn vị y tế ngoài công lập có quyền tự quyết về giá, nhân lực, …để đảm bảo hoạt động của đơn vị)." là không phù hợp quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP. Vấn đề này, đề nghị Sở Y tế làm việc với Sở Nội vụ.
    2. Bệnh viện Phục hồi chức năng
    a) Đề nghị bổ sung đối tượng thu hút theo Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND:
    Quy định về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương thực hiện theo Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND. Trường hợp đơn vị đề nghị bổ sung đối tượng khác như cử nhân, dược sĩ, bác sĩ Y học cổ truyền, bác sĩ phục hồi chức năng… đề nghị đơn vị gửi Sở Y tế tổng hợp trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định. 
    b) Đề nghị tăng mức lương cơ sở: việc tăng mức lương cơ sở thuộc thẩm quyền của Chính phủ, không thuộc thẩm quyền của địa phương.
    * Ý kiến liên quan đến các đơn vị tuyến huyện:
  1. Lương và kinh phí hoạt động của Trạm y tế xã:
    a) Trung tâm y tế thị xã Dĩ An:
    Ý kiến của đơn vị: Phản ánh tình hình khó khăn về lương của  cán bộ tuyến phường: Hiện tại Trung tâmY tế phải trả lương cho 9 cán bộ tuyến phường. Theo ngành tài chính trả lời, áp dụng theo Thông tư số 13,14 về giá khám chữa bệnh, đã tính tiền lương cho cán bộ y tế. Tuy nhiên, cán bộ y tế hoạt động ở tuyến phường thì đa số là chăm sóc sức khỏe ban đầu và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Và các chương trình này thì không thu mà chỉ khám chữa bệnh, là một chức năng nhỏ trong hoạt động của tuyến phường. Các tuyến phường nếu hoạt động tốt thì có bệnh nhân(có thu để chi trả) một số tuyến phường chỉ tuyên truyền thôi thì không có bệnh nhân và không có thu nhập nên vấn đề trả lương cho cán bộ tuyến phường rất khó khăn.
    Trả lời: Tại Công văn số 373/TCKH-NS ngày 30/6/2020 của Phòng TCKH thành phố Dĩ An, theo đó Phòng TC-KH đã báo cáo huy động nguồn thu đối với dịch vụ được kết cấu chi phí theo quy định hiện hành theo lộ trình tính giá dịch vụ. Trong trường hợp nguồn thu không đảm bảo, Trung tâm y tế thành phố Dĩ An báo cáo về Phòng TCKH cân đối thu – chi trình UBND thành phố bổ sung kinh phí đảm bảo chi cho con người (theo khoản 2, Điều 8 Thông tư số 39/2018/TT-BYT).
    b) Trung tâm y tế Thành phố Thủ Dầu Một:
    Ý kiến của đơn vị: đề nghị hỗ trợ 100% kinh phí hoạt động y tế, vì hàng năm chỉ giao 42 triệu/trạm y tế, trong khi quyết toán phải từ 60-70 triệu và không đủ chi hoạt động và không có nguồn thu, đặt biệt tại TTYT TDM bao quanh bởi các bệnh viện tư nhân và bệnh viện lớn của tỉnh nên càng hạn chế về nguồn thu. Đề nghị tăng kinh phí phân bổ dự toán cho đơn vị.

          Trả lời: Tại Công văn số 306/TCKH-NS của Phòng TCKH thành phố Thủ Dầu Một, theo đó Phòng TCKH tham mưu UBND Thành phố Thủ Dầu Một giao dự toán sự nghiệp y tế theo quy định hiện hành. Do Trạm y tế không thu hút được bệnh nhân khám và điều trị nên dẫn đến nguồn thu thấp, không có thu nhập tăng thêm. Kinh phí thường xuyên tạm đủ chi hoạt động của Trạm.

          Như vậy việc giao dự toán cho sự nghiệp y tế của Phòng Tài chính – KH thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 51/2016/NQ-HĐND và Thông tư số 39/2018/TT-BYT.

2. Tiền trực cho cán bộ Xã, phường:

Ý kiến của BS Phạm Thị Ngọc Hạnh- Trạm y tế Phường Hiệp An, Thủ Dầu Một: xem xét chế độ tiền trực cho mỗi cán bộ ở tuyến xã, phường theo giá thị trường (hiện tại chi 15.000 đồng/người đề nghị bổ sung tăng thêm)

Trả lời: Hiện nay, chế độ phụ cấp thường trực thực hiện theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/20101 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể chế độ phụ cấp thường trực đối với trạm y tế xã:

          - Người lao động thường trực 24/24 giờ được hưởng mức phụ cấp: 25.000 đồng/người/phiên trực.

          - Người lao động thường trực 12/24 giờ được hưởng mức bằng 0.5 lần  24/24 giờ. (12.500 đồng/người/phiên trực ).

          - Người lao động thường trực 16/24 giờ được hưởng mức bằng 0.75 lần  24/24 giờ (18.750 đồng/người/phiên trực ).

          - Người lao động thường trực 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn là 15.000 đồng/người/phiên trực.

3. Xác định loại hình đơn vị sự nghiệp (ý kiến của Trung tâm Y tế thành phố Dĩ An). Do hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể xác định loại hình đơn vị sự nghiệp y tế nên vẫn thực hiện theo Nghị định 85/2012/NĐ-CP, Nghị định số 16/2014/NĐ-CP.

D. NỘI DUNG THUỘC THẨM QUYỀN TRẢ LỜI CỦA BẢO HIỂM XÃ HỘI TỈNH.

1. Nội dung kiến nghị : Phân tuyến KCB đối với TTYT Thủ Dầu Một: Theo 2018, Chính Phủ ban hành Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 về sửa đổi bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kin doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Cơ quan BHXH căn cứ vào đó, xếp vào tuyến IV tương đương Tram Y tế phường.

Trả lời:

Căn cứ Khoản 11, Điều 22 Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 quy định:" Trung tâm y tế có chức năng khám bệnh, chữa bệnh thì cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là bệnh viện đa khoa hoặc phòng khám đa khoa và phải đáp ứng điều kiện quy định tương ứng với hình thức tổ chức đó. Việc phân hạng thực hiện theo nguyên tắc nếu được cấp giấy phép hoạt động theo mô hình PKĐK thì được xếp hạng IV, nếu được cấp giấy phép hoạt động theo mô hình bệnh viện thì được xếp theo hạng bệnh viện tương đương với quy mô của cơ sở đó"

Căn cứ Khoản 3, Điều 4, Thông tư 39/2018/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 30/11/2018 quy định nguyên tắc áp dịch vụ đối với các cơ sở y tế có ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế: "Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa được phân hạng; phòng khám quân y, phòng khám quân dân y, bệnh xá quân y, bệnh xá; phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân: áp dụng mức giá của bệnh viện hạng IV".

Do đó hiện nay BHXH tỉnh Bình Dương thực hiện thanh quyết toán chi phi KCB BHYT phát sinh tại TTYT Thủ Dầu Một theo các quy định nêu trên.

2. Kiến nghị : Thông tin của người bệnh KCB BHYT chưa trùng khớp: Khi triển khai thực hiện kiểm tra dữ liệu thẻ BHYT của người bệnh trên Cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT, bệnh viên nhận thấy có một số trường hợp dữ liệu không thống nhất, bị sai lệch gây khó khăn cho BV khi thực hiện KCB BHYT và gây khó khăn cho người bệnh khi yêu cầu người bệnh phải quay lại cơ quan BHXH để thực hiện điều chỉnh thông tin cho trùng khớp thì mới được hưởng chế độ BHYT.

        Trả lời:

        Căn cứ Công văn 1677/BYT-BH của Bộ Y tế ngày 28/03/2018 quy định: "Trường hợp thông tin trên thẻ BHYT hoặc thông tin kiểm tra qua hàm API của cơ quan BHXH cung cấp khác thông tin tra cứu tại thời điểm người có thẻ BHYT đến KBCB (không bao gồm sai khác thông tin mức hưởng, hạn sử dụng thẻ BHYT) thì các cơ sở KBCB chỉ lập 01 (một) Bảng kê chi phí KBCB ban hành kèm theo Quyết định số 3455/QĐ-BYT ngày 15/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế và 01 (một) file dữ liệu điện tử, hiệu chỉnh theo thông tin đã tra cứu lần cuối cùng, đồng thời thông báo cho người bệnh hoặc thân nhân liên hệ ngay với cơ quan BHXH để thay đổi thẻ BHYT phù hợp với thông tin đã được cơ quan BHXH cập nhật".

        3. Nội dung kiến nghị : Thanh toán Dịch vụ kỹ thuật "Thương tích bàn tay phức tạp, Phẫu thuật vết thương phần mềm phức tạp"

          Trả lời:

          Căn cứ Điểm b, Khoản 2.4, Điều 2 tại Công văn số 2362/BHXH-CSYT của BHXH Việt Nam ngày 26/06/2018 về việc giải quyết vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT quy định, hướng dẫn thực hiện việc thanh toán toán đối với các DVKT trong tên có chứa từ "phức tạp" như sau:

          Đối với các DVKT có tên tại Số thứ tự 7,14,15, Danh mục 2 ban hành kèm Thông tư số 35/TT-BYT và các DVKT chuyên ngành Ung bướu ban hành kèm theo Thông tư số 50/TT-BYT ngày 26/12/2014 của Bộ Y tế về việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật trong tên có chứa từ "phức tạp" được áp dụng mức giá tại các quy định xếp tương đương của Bộ Y tế.

          Đối với các DVKT khác trong tên có chứa từ "phức tạp" chưa được Bộ Y tế quy định cụ thể về tình trạng phức tạp tại Thông tư số 35/TT-BYT, cơ quan BHXH chưa có cơ sở để thanh toán"

          4. Nội dung kiến nghị : Về giao dự toán KCB chưa phù hợp với thực tế, việc thanh quyết toán BHYT và "treo" kinh phí BHYT:

          Trả lời:

        Căn cứ Quyết định số 22/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ ngày 05/04/2019 về việc giao dự toán chi khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2019. Số dự toán chi KCB BHYT tại tỉnh Bình Dương, trong đó bao gồm số chi KCB cho bệnh nhân có thẻ BHYT của tỉnh phát hành đi KCB tại địa phương và bệnh nhân có thẻ BHYT của tỉnh khác phát hành đến KCB tại địa phương.

        Căn cứ Công văn số 49/UBND-VX của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ngày 19/04/2019 về việc thực hiện dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT năm 2019. Công văn số 1143/BHXH-KHĐT của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam ngày 10/04/2019 về việc hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán thu, chi năm 2019; Căn cứ Khoản 4, Điều 24 Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn xác định tổng mức thanh toán chi KCB BHYT năm 2019.

          Căn cứ Quyết định số 1419/QĐ-UBND của Ủy ban nhân nhân tỉnh Bình Dương ngày 27/05/2019 về việc giao dự toán chi KCB BHYT tại các cơ sở KCB BHYT năm 2019; BHXH tỉnh đã phân bổ dự toán chi KCB BHYT năm 2019 đến từng cơ sở trên địa bàn tỉnh.

 

Lượt người xem:  Views:   1066
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
 
 
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Audio

Từ khóa

Email

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tác giả

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Trả lời phản ánh kiến nghị